7 mô hình nuôi tôm hiệu quả

Thời gian qua, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã chứng minh được tính hiệu quả nhờ kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, dịch bệnh, năng suất vượt trội so với các mô hình nuôi truyền thống.

CPF-Combine

Được phát triển từ sự kết hợp các mô hình CPF-Green House, CPF-Turbo Program, C.P-Probiotic Farm, 3C, mô hình CPF-Combine của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam bắt đầu được chuyển giao cho người nuôi tôm trong cả nước từ năm 2015. Hiện, mô hình CPF-Combine đã được các chuyên gia của C.P. Việt Nam nâng cấp lên phiên bản thứ 2. Mô hình này được thiết kế để ứng dụng các ao nổi cùng hệ thống xử lý nước hoàn chỉnh sẽ giúp người nuôi xây dựng nhanh chóng và quản lý dễ dàng hơn.

Mô hình CPF-Combine được thiết kế theo hướng khép kín, tất cả các khâu trong mô hình như khu xử lý nước, khu ương nuôi đều được tính toán theo một tỷ lệ hợp lý giúp cho việc quản lý được hiệu quả, điểm cốt lõi trong mô hình đó là luôn luôn duy trì được môi trường nuôi sạch cho tôm. Ngoài ra, khác biệt của CPF-Combine chính là hệ thống xử lý chất thải Biogas, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm do chất thải từ ao tôm, đồng thời khí gas được sử dụng để phục vụ cho cả sinh hoạt và sản xuất. Mô hình đã mang lại năng suất trung bình khoảng 60 – 70 tấn/ha.

                                                       Công nghệ góp phần nâng cao sản lượng tôm nuôi – Ảnh: Diệu Lữ

 

Nuôi tôm công nghệ 234

Từ quy trình nuôi 2 giai đoạn, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã sáng tạo ra công nghệ nuôi 234. Trong đó, số 2 là nuôi 2 giai đoạn. Còn số 3 là thu tỉa 3 lần trong một vụ: thu tỉa lần đầu khi tôm 60 – 65 ngày (bắt 50% lượng tôm trong ao đã đạt cỡ 65 – 70 con/kg), sau đó khoảng 20 ngày tiến hành thu tỉa lần hai (cũng bắt 50% lượng tôm còn lại trong ao đã đạt 40 – 45 con/kg), lần thứ ba sau 110 – 115 ngày (thu hoạch hết tôm trong ao đạt cỡ 15 – 20 con/kg). Còn số 4 là 4 sạch: con giống sạch bệnh, nước nuôi sạch, sạch kháng sinh và sạch môi trường. Cụ thể, nước nuôi tôm lấy từ biển có độ mặn từ 25‰ trở lên, qua hệ thống lọc tự nhiên kết hợp với máy lọc màng. Tất cả là một quy trình nuôi đảm bảo con tôm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng đáp ứng mọi thị trường với giá cả cạnh tranh tốt. Sau quá trình thử nghiệm, Minh Phú đã thành công mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đạt năng suất 50 tấn/ha/vụ, số vụ nuôi tăng từ 1 – 2 vụ/năm lên 4 – 5 vụ/năm.

 

Nuôi tôm siêu tiết kiệm, siêu lợi nhuận

Để phù hợp với điều kiện, chi phí đầu tư của các hộ dân, Tập đoàn Việt – Úc đã nghiên cứu mô hình nuôi giúp giảm chi phí tối đa và nâng cao lợi nhuận. Mô hình này có tên gọi: Nuôi tôm Việt – Úc siêu tiết kiệm, siêu lợi nhuận. Khi thực hiện mô hình, tôm được ương trong ao với mật độ 1.500 – 2.000 PL12/m2 tuỳ theo điều kiện bố trí sục khí đáy. Ao ương phải được phủ lưới lan để hạn chế ánh sáng cường độ cao chiếu trực tiếp làm tăng nguy cơ tảo phát triển ở mật độ cao. Tôm sau khi ương sẽ được thuần nước với ao nuôi và chuyển sang ao nuôi khi nhiệt độ nước 2 ao không chênh lệch quá 0,50C. Một ưu điểm nổi bật của mô hình này đó chính là việc không cần thiết che lưới lan, không cần vệ sinh bạt mỗi ngày, giảm nhân công lao động, giảm lượng nước thay, từ đó giảm chi phí nuôi đáng kể. Ngoài việc giảm chi phí, mô hình này còn mang tính bền vững khi lượng nước thay được tuần hoàn qua ao cá rô phi và tái sử dụng nên khắc phục được nguy cơ bị bệnh phân trắng. Áp dụng mô hình, năng suất bình quân khoảng 40 tấn/ha.

 

Nuôi tôm hai giai đoạn

Là quy trình được Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật nhiều năm qua. Quá trình nuôi tôm 2 giai đoạn như sau: giai đoạn đầu tôm được nuôi trong nhà lưới 20 – 30 ngày nhằm tránh tác động của thời tiết và các yếu tố khác từ bên ngoài. Lúc này, môi trường ao nuôi được kiểm soát chặt chẽ sẽ hạn chế hiện tượng EMS thường xảy ra trong 20 ngày đầu của quá trình nuôi, tôm giống thả mật độ 1.000 – 3.000 con/m2. Khi tôm có trọng lượng 1,5 – 2 g/con, chuyển sang giai đoạn 2 ở ao nuôi liền kề, mật độ 200 – 300 con/m2, nuôi đến khi đạt cỡ 40 – 60 con/kg. Tổng thời gian nuôi khoảng 80 – 100 ngày. Quá trình nuôi không sử dụng bất kỳ loại hóa chất gì, chỉ dùng chế phẩm sinh học; cũng không thay nước hoặc thay nước rất ít. Kết hợp với việc sử dụng các loại thiết bị hiện đại như máy cho ăn tự động, máy sục ôxy đáy, quạt nhím. Đặc biệt, quy trình này tái sử dụng chất thải của tôm thành hạt biofloc làm thức ăn cho tôm. Hệ số chuyển đổi thức ăn thấp, thời gian nuôi ngắn nên giảm được từ 10 – 20% chi phí so với các mô hình nuôi tôm khác. Quy trình nuôi dễ thực hiện, phù hợp với cả quy mô nhỏ lẻ lẫn trang trại. Với quy trình này, mỗi năm có thể nuôi được 4 – 5 vụ, sản lượng đạt khoảng 100 – 120 tấn/ha mỗi năm.

                                                                                   Mô hình nuôi tôm Công ty Trúc Anh – Ảnh: PTC

Ương tôm mật độ cao theo raceway

Raceway là giải pháp kỹ thuật ương tôm thẻ chân trắng với mật độ siêu cao trong suốt thời gian ương được Vinhthinh Biostadt phát triển trong thời gian qua.

Một hệ thống ương raceway tiêu chuẩn bao gồm 2 bể ương chuyên dùng (hoặc ao lót bạt) đặt hoàn toàn trong nhà kính (làm bằng vật liệu rẻ tiền là nilon hoặc tấm nhựa fiber hoặc màng phủ nhà kính chuyên dùng). Ở giai đoạn 1, tôm được thả với mật độ tối đa lên đến 12.000 PL10/m3. Sau 15 ngày ương, tôm đạt kích cỡ PL25 được chuyển sang bể ương 2 để ương tiếp thêm ít nhất 15 ngày. Căn cứ vào số lượng cụm ao nuôi thương phẩm cần thả tôm sau ương và mật độ nuôi, người nuôi có thể quyết định hệ thống ương của mình có diện tích bể tối thiểu là bao nhiêu. Chẳng hạn, nếu có 8 ao nuôi với diện tích mỗi ao là 2.000 m2, và mật độ nuôi mong muốn là 100 con/m2 thì số lượng tôm cần thiết cho một lần ương để thả ra 2 ao là 400.000 con tôm, do đó hệ thống raceway sẽ có bể ương giai đoạn 1 là 50 m3 với mật độ ương ban đầu là 9 – 10 con/lít (tương đương 9.000 – 10.000 PL/m3 bể ương, giả định tỷ lệ sống là 80% sau ương). Tất cả người nuôi đều có thể ứng dụng hệ thống ương raceway.

 

Nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn

Mô hình này Công ty CP Thủy sản Tân An triển khai thành công trong năm 2019 và được đánh giá là mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn siêu thâm canh tiên tiến nhất hiện nay.

Mô hình gồm 2 giai đoạn ương và 1 giai đoạn nuôi thương phẩm. Theo đó, hệ thống ao nuôi được thiết kế tới 3 ao, gồm 1 ao ương giai đoạn 1, 1 ao ương giai đoạn 2 và 1 ao nuôi thương phẩm. Ngoài ra, còn có 1 ao chứa và 1 hệ thống xử lý nước. Ao ương giai đoạn 1 là bể xi măng, được đặt trong nhà màng, ao ương giai đoạn 2 và ao nuôi thương phẩm giai đoạn 3 là dạng ao đất, được lót bạt 100%. Giai đoạn 1, tôm giống được thả với mật độ cao, khoảng 5.000 – 12.000 con/m2. Kết thúc ương giai đoạn 1, tôm sẽ theo dòng chảy tự nhiên sang ao ương giai đoạn 2. Với cách di chuyển này, tôm sẽ không bị stress, tránh bị lây nhiễm mầm bệnh. Ở giai đoạn ương này, mật độ tôm giống từ 300 – 500 con/m2, thời gian nuôi 25 ngày. Tại ao nuôi thương phẩm, tôm được nuôi với mật độ 180 – 250 con/m2. Áp dụng mô hình này, người nuôi cũng có thể quay vòng vụ nhanh để nuôi tới 9 vụ/năm (tổng sản lượng 160 – 180 tấn/ha/năm), so với phương pháp nuôi thông thường cao hơn trên 4 lần về số vụ nuôi và 8 – 9 lần về năng suất trên hecta nuôi.

 

Nuôi tôm hồ tròn nổi

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao siêu thâm canh 2 giai đoạn trong hồ nổi và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước của Công ty TNHH MTV Long Mạnh được đánh giá là một trong những mô hình nuôi tôm công nghệ cao ưu việt hiện nay. Hồ nuôi được thiết kế đặc biệt với dạng tròn, dựng từ khung thép phủ bạt HDPE có đáy dạng hình phễu, vách đứng. Để ứng dụng quy trình nuôi tôm trong hồ nổi, người nuôi phải tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Tôm có thể nuôi theo hình thức hai giai đoạn hoặc ba giai đoạn, năng suất có thể đạt 100 – 150 tấn/ha/năm.

 

Thái Thuận (Tổng hợp)

Theo Thủy Sản Việt Nam