Đưa chế phẩm sinh học vào nề nếp (Thủy sản Việt Nam)

Khi hóa chất, kháng sinh ngày càng bị “thất sủng” trong nuôi trồng thủy sản, sự phát triển của chế phẩm sinh học là tất yếu. Thế nhưng, hiện nay, công tác quản lý mặt hàng này vẫn rất gian nan.

Người dân thay đổi lựa chọn

Có dịp theo chân đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Sóc Trăng, điều ghi nhận đầu tiên của chúng tôi là có rất ít sản phẩm thuốc thú y thủy sản hiện diện tại các đại lý, cửa hàng kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm. Nguyên nhân được các chủ đại lý, cửa hàng cho biết là do rất khó tiêu thụ vì hiện hầu hết người nuôi tôm đều không còn sử dụng thuốc thú y thủy sản để phòng trị bệnh cho tôm, mà chuyển sang sử dụng các chế phẩm vi sinh là chủ yếu.

Ảnh minh họa

Ông Đào Văn Bảy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, cho biết: “Chi cục chúng tôi chỉ quản lý thuốc thú y, còn các chế phẩm vi sinh và chất cải tạo môi trường do Chi cục Thủy sản phụ trách. Qua kiểm tra cho thấy, hiện chỉ còn một vài sản phẩm thuốc thú y thủy sản đang lưu hành, nhưng số lượng người sử dụng cũng rất ít vì hiệu quả không cao, dễ tồn dư trong tôm lúc thu hoạch làm giảm giá bán”.

Việc từ bỏ thuốc thú y thủy sản để chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học là một tín hiệu vui đối với ngành tôm Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung, vì nó đồng nghĩa với khả năng dư lượng kháng sinh hay hóa chất cấm trong tôm nuôi sẽ rất thấp, giúp tăng khả năng cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, cũng từ đây, thị trường chế phẩm sinh học và chất cải tạo môi trường cũng trở nên bát nháo hơn với đủ loại sản phẩm gắn mác sinh học, vi sinh được lưu hành trên thị trường, khiến cho việc quản lý, kiểm tra chất lượng, giá cả trở nên khó khăn hơn.

Bất cập quản lý chất lượng

Theo ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, giá các chế phẩm sinh học dùng trong nuôi tôm từ nhà sản xuất đến tay người nuôi có loại tăng đến 50%, còn trung bình thì cũng 30 – 40%. Tuy nhiên, vấn đề mà ông Huy cũng như người nuôi tôm quan tâm chính là chất lượng của các chế phẩm này chưa được quản lý tốt, nhất là một số chế phẩm được nhập khẩu về sau đó san chiết, đóng gói bao bì mới.

Cùng chia sẻ mối quan tâm về sự nhập nhằng giữa thuốc thú y với chế phẩm sinh học, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận cho rằng, vẫn còn tình trạng bao bì là chế phẩm vi sinh, nhưng thực chất bên trong vẫn có thành phần thuốc thú y thủy sản. Ông Hoàng Anh đề xuất: “Tổng cục Thủy sản cần có quy định rạch ròi giữa thuốc thú y với men vi sinh hoặc chế phẩm sinh học nhằm tránh tình trạng gian lận, bảo vệ người nuôi tôm”.

ThS Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cũng thừa nhận, tình hình sản xuất, kinh doanh chế phẩm sinh học phục vụ nuôi thủy sản trước khi có Luật Thủy sản năm 2017 là rất bát nháo và rất khó cho công tác quản lý. Theo đó, trước đây, doanh nghiệp chỉ cần có giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, sau đó lấy mẫu sản phẩm đi kiểm tra đạt thì đăng ký lưu hành. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở cung ứng chế phẩm sinh học trước đây đều đăng ký kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh, nên địa phương không thể quản lý hết. Cũng có một số cơ sở đăng ký hoạt động tại tỉnh nhưng khi kiểm tra thì không có sản xuất gì hết mà chủ yếu là đóng gói.

Theo Chi cục Thủy sản các tỉnh khu vực ĐBSCL, để tăng cường công tác quản lý cũng như sự giám sát từ cộng đồng, Tổng cục Thủy sản cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia công bố trên mạng để nguời dân theo dõi biết sản phẩm nào có đăng ký, cơ sở nào đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh… Đồng thời, Tổng cục cũng nên “khai tử” danh mục sản phẩm cũ, công bố danh mục mới giống hàng năm như bên Cục Thú y đã và đang thực hiện.

Nguồn: thuysanvietnam.com.vn