Gần đây, cá diếc được một số địa phương trong đó có tỉnh Phú Yên quan tâm phát triển nuôi, tuy nhiên cá diếc dễ nhiễm ký trùng gây thiệt hại lớn.
Cá diếc có thịt thơm ngon, bổ dưỡng, với hàm lượng protein chiếm 17,7%, lipit 1,8%, nhiều khoáng chất như can xi, phốt pho, sắt, hay vitamin B1… Ngoài giá trị dinh dưỡng, cá diếc từ lâu được biết đến như là một loại thuốc chữa nhiều bệnh khác nhau cho con người. Nhờ những giá trị đó, cá diếc đã và đang trở thành món ăn ưa thích được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, một số địa phương trên cả nước đã và đang nuôi thương phẩm loài cá này. Mặc dù chưa phải là đối tượng được nuôi rộng rãi nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy cá diếc thường nhiễm ký sinh trùng, bao gồm cả ký sinh trùng có thể gây bệnh cho con người. Để nghề nuôi cá diếc tiếp tục phát triển bền vững, trở thành đối tượng nuôi có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu thực phẩm chất lượng – an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu về ký sinh trùng là điều hết sức cần thiết.
Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu thành phần và mức độ nhiễm giáp xác, sán dây và giun tròn ở cá diếc làm cơ sở cho việc nghiên cứu phòng – trị bệnh do các nhóm ký sinh trùng này gây ra.
Địa điểm thu mẫu cá: Đầm Bàu Súng (huyện Tuy An), Sông Kỳ Lộ (đoạn qua Chí Thạnh – Tuy An) và ao nuôi cá nước ngọt (xã Hòa Xuân Đông – huyện Đông Hòa), tỉnh Phú Yên
Kết quả cá diếc ở Phú Yên bị nhiễm hai loài giáp xác (Lernacea cyprinacea và Corallana grandiventra), một loài sán dây (Bothriocephalus sp.) và hai loài giun tròn (Anisakis sp. và Cucullanus cyprini). Nhìn chung, tỷ lệ cảm nhiễm của các loài này trên cá không cao, dao động từ 2,0% (Bothriocephalus sp.) đến 7,5% (L. cyprinacea).
Cường độ cảm nhiễm trung bình dao động từ 1,4 trùng/cá (L. cyprinacea) đến 9,0 trùng/cá (Bothriocephalus sp.). Loài C. grandiventra có tỷ lệ cảm nhiễm 7,0% và cường độ cảm nhiễm trung bình 1,6 trùng/cá. Cả hai loài giun tròn đều có tỷ lệ cảm nhiễm 4,0% và cường độ cảm nhiễm trung bình 2,9 trùng/cá.
Cá diếc thu trong mùa mưa (Tháng 9 – 12) ở Phú Yên bị nhiễm 4 loài ký sinh trùng, bao gồm L. cyprinacea, C. grandiventra, Anisakis sp. và C. cyprini; Tỷ lệ cảm nhiễm tương ứng là 7,4, 11,1, 3,7 và 3,7%; cường độ cảm nhiễm trung bình tương ứng là 1,0, 1,7, 2,0 và 2,0 trùng/cá. Các mẫu thu trong mùa khô (Tháng 1 – 8) nhiễm 5 loài ký sinh trùng gồm L. cyprinacea, C. grandiventra, Bothrio cephalus sp., Anisakis sp. và C. cyprini; tỷ lệ cảm nhiễm tương ứng là 7,5, 6,3, 2,0, 4,0 và 4,4%; cường độ cảm nhiễm trung bình tương ứng là 1,5, 1,6, 9,0, 3,0 và 3,0 trùng/cá.
Kết quả khảo sát cho thấy có sự khác nhau về thành phần loài ký sinh trùng trên cá diếc thu từ các địa phương. Cá thu ở Đầm Bàu Súng nhiễm ba loài ký sinh trùng là L. cyprinacea, Anisakis sp. và C. cyprini; với tỷ lệ cảm nhiễm tương ứng là 1,6, 3,1 và 3,1%;cường độ cảm nhiễm trung bình tương ứng là 3,0, 5,5 và 5,5 trùng/ cá.
Cá thu ở Sông Kỳ Lộ nhiễm cả năm loài ký sinh trùng là L. cyprinacea, C. grandiventra, Bothriocephalus sp., Anisakis sp. và C. cyprini; tỷ lệ cảm nhiễm tương ứng là 7,3, 25,5, 1,8, 10,9 và 10,9%; cường độ cảm nhiễm trung bình tương ứng là 2,0, 1,6, 30,0, 2,0 và 2,0 trùng/cá.
Cá thu ở ao cá nước ngọt – Hòa Xuân Đông nhiễm hai loài ký sinh trùng là L. cyprinacea và Bothriocephalus sp.; tỷ lệ cảm nhiễm tương ứng là 12,2 và 3,7%; cường độ cảm nhiễm trung bình tương ứng là 1,2 và 2,0 trùng/cá.
Kết quả của nghiên cứu này cho thấy Lernacea cyprinacea được bắt gặp ở cả hai mùa mưa và khô, ở cả ba loại thủy vực nghiên cứu (bao gồm cả trong ao nuôi), chứng tỏ rằng đây là loài ký sinh trùng khá phổ biến trên cá diếc, và có phân bố rộng ở Phú Yên. Tỷ lệ cảm nhiễm loài ký sinh trùng này cao hơn so với các loài ký sinh trùng khác; điều đó chứng tỏ nguy cơ cá bị bệnh do loài ký sinh trùng này cũng khá cao, đòi hỏi người nuôi cá phải chú ý phòng bệnh triệt để.
Trong nghiên cứu này chỉ bắt gặp C. grandiventra ký sinh trên thân cá diếc thu từ Sông Kỳ Lộ với tỷ lệ cảm nhiễm 25,5% và cường độ cảm nhiễm trung bình 1,6 trùng/cá. Cá có thể bị nhiễm cả trong mùa mưa và mùa khô, xuất hiện nhiều vết thương, viêm tấy trên cơ thể. So với các nghiên cứu trước đây, tỷ lệ cảm nhiễm và cường độ cảm nhiễm loài ký sinh trùng này trên cá diếc tại Phú Yên thấp hơn; tuy nhiên, vì sự nguy hiểm loài ký sinh trùng này đối với cá, người nuôi cá diếc cũng cần phải quan tâm.
Kết quả từ nghiên cứu góp phần thông tin cơ sở để có các biện pháp cải tạo ao nuôi, chăm sóc cá, và cá giống không nhiễm giun và ký sinh trùng để loại bỏ nhóm ký sinh này khỏi cá nuôi.
Theo Võ Thế Dũng , Võ Thị Dung , Nguyễn Nhất Duy