Nuôi ghép giữa Hàu và Tôm thẻ – Sự kết hợp hoàn hảo

Nuôi ghép hàu và tôm thẻ hứa hẹn một mô hình nuôi bền vững và kinh tế.

Nuôi kết hợp hàu và tôm thẻ có thể hạn chế rất tốt việc ô nhiễm nguồn nước nuôi, từ đó giảm thiểu mầm bệnh đáng kể.

Việc mở rộng sản xuất cho các mô hình nuôi trồng thủy sản hiện nay là một vấn đề rất cần thiết, nhất là đối với những loài có giá trị kinh tế. Mỗi năm sản lượng nuôi trồng giáp xác và nhuyễn thể đều tăng thêm 3% về tốc độ tăng trưởng (số liệu năm 2016). Trong đó tôm thẻ chân trắng là loài giáp xác nuôi nhiều nhất trên thế giới, hiệu suất tăng trưởng nhanh chóng trong các hệ thống nuôi thâm canh. Bên cạnh đó thì hàu Thái Bình Dương cũng là loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế và sản lượng cao, do chúng có khả năng chống chịu tốt với điều kiện môi trường thay đổi và đối kháng nhanh với mầm bệnh.

Tôm thẻ hầu hết được nuôi ở các hệ thống độc canh. Sử dụng thức ăn công nghiệp dễ tiêu hóa với hàm lượng đạm cao, tuy nhiên nguồn thức ăn này lại được sử dụng quá mức và thường không đầy đủ thành phần dinh dưỡng. Do đó, nếu chỉ cho ăn một cách đơn thuần, tôm thường thiếu rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của chúng. Sự lãng phí thức ăn tôm cũng sẽ làm môi trường nước bị ô nhiễm trầm trọng và trở nên quá tải với các chất thải hữu cơ. Và vì sự gia tăng liên tục của chi phí thức ăn mà việc thay thế các phương pháp nuôi hiện tại đã trở nên vô cùng cấp thiết.

Nuôi thủy sản kết hợp đang là một giải pháp thay thế rất khả thi và hiệu quả để cải thiện chất dinh dưỡng cho tôm nuôi và giảm đáng kể công thay nước thi ô nhiễm. Khi đó, các chất thải hữu cơ của vật này sẽ là chất dinh dưỡng được các vật kia hấp thu và đồng hóa. Nhiều nghiên cứu chứng minh nuôi kết hợp hàu và tôm thẻ có thể hạn chế rất tốt việc ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, hàu là một động vật ăn lọc không đặc hiệu, chúng có thể tận dụng năng suất tự nhiên và chất hữu cơ trong ao để chuyển đổi thành sinh khối cho các hoạt động sống của chúng. Năng suất tôm sẽ được cải thiện nhờ vào sự hiện diện của loài thứ cấp này, chủ yếu nhờ vào việc cải thiện chất lượng nước, từ đó làm giảm các mầm bệnh có thể gây hại cho tôm nuôi.

Ngày càng có nhiều nhận thức về ảnh hưởng của hệ vi khuẩn trong đường ruột đối với sức khỏe và sự phát triển của vật chủ. Thật vậy, hệ vi sinh vật của động vật đóng một vai trò rất quan trọng nhưng lại rất dễ thay đổi tùy vào môi trường sống và thức ăn của chúng. Ở tôm thẻ chân trắng, người ta chứng minh được cộng đồng vi khuẩn đường ruột sẽ thay đổi theo điều kiện sống, sức khỏe, giai đoạn tăng trưởng, chế độ ăn và các phương pháp nuôi tôm. Điều tương tự cũng xảy ra với hệ vi sinh vật của hàu. Sự kết hợp được xem là một giải pháp tốt để cải thiện việc sử dụng dinh dưỡng và hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột của hai vật nuôi. Do vậy việc nuôi kết hợp hai loài trên sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao nhờ vào giá trị của cả hai.

Điều kiện môi trường và chế độ ăn là những yếu tố sinh học tác động mạnh nhất đến hệ vi sinh vật của tôm. Cộng đồng vi sinh này cũng sẽ bị biến đổi trong cơ thể hàu và chủ yếu là do các yếu tố môi trường tác động. Vibrio ở cả tôm và hàu đều chiếm số lượng cao nhất trong đường ruột. Hệ vi khuẩn này cũng rất nhạy cảm với môi trường xung quanh và có khả năng gây bệnh cao đối với vật chủ. Việc hạn chế chủng vibrio sẽ duy trì một hệ thống nuôi khỏe mạnh và cải thiện năng suất tôm nuôi hiệu quả.

Nuôi trồng thủy sản theo hướng sinh thái bền vững đang ngày càng được quan tâm do tiềm năng về các lợi ích kinh tế xã hội lẫn môi trường. Các nghiên cứu trước đây chứng minh hàu là loài có thể giảm quá trình phú dưỡng của tảo và loại bỏ được các chất thải hữu cơ lơ lửng trong ao. Việc “bảo vệ môi trường” này của hàu chắc chắn sẽ nâng cao năng suất nuôi tôm.

Mối quan hệ của tôm và hàu trong một hệ thống tích hợp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước. Các thực vật hữu cơ cùng các vi khuẩn sẽ được kết hợp và thực hiện chức năng chuyển hóa chất thải amoni dưới lớp bùn đáy ao. Nhờ  thành phần của các hạt lơ lửng đa dạng, nên đây sẽ là một nguồn thức ăn giàu lipid, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ăn lọc, góp phần tăng sự hấp thu carbon và sau đó dẫn đến việc tăng trưởng nhanh ở hàu.

Vì vậy, cần xem xét hiệu quả của mô hình để sự kết hợp hoàn hảo này sớm được đầu tư và nhân rộng.

Hà Tử
Nguồn Tép Bạc