Thế nào là phòng xét nghiệm thủy sản (phòng Lab)?

Tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản ngày càng khó kiểm soát, các mầm bệnh cần được thực hiện các xét nghiệm cơ bản thì mới có thể phát hiện ra. Vì vậy, để tránh các rủi ro không đáng có, các phòng xét nghiệm (hay phòng Lab) dần được xuất hiện phổ biến tại các khu vực nuôi.

Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các khái niệm và công dụng của phòng Lab nói chung, cũng như các phòng Lab chuyên về thủy sản nói riêng nhé!

Ứng dụng phòng xét nghiệm trong đời sống

Phòng xét nghiệm tiếng Anh là Laboratory, tên gọi tắt là phòng Lab, là một cơ sở được thiết kế, xây dựng và lắp đặt các thiết bị khoa học kỹ thuật, công cụ dụng cụ hỗ trợ nhằm cung cấp các điều kiện, đảm bảo an toàn cho việc triển khai các thí nghiệm, thực nghiệm trong các lĩnh vực tự nhiên (sinh – lý – hóa) phục vụ cho mục đích học tập và nghiên cứu khoa học.

Phòng xét nghiệm có thể là một căn phòng nằm trong một tòa nhà, công trình hoặc thậm chí là cả một tòa nhà, công trình riêng biệt chuyên phục vụ cho việc thực hiện các thí nghiệm của các học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, kỹ sư.

Phòng xét nghiệm thủy sản (phòng Lab). Ảnh: Tép Bạc

 

Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy phòng Lab trong các công ty trong lĩnh vực sinh – lý – hóa, các trường đại học và các trường trung học phổ thông. Tuy nhiên những năm gần đây các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cũng đang bắt đầu đưa phòng Lab vào trong cơ sở trường học nhằm mục đích nâng cao chất lượng học tập để học sinh được tiếp cận sớm với công nghệ theo xu hướng giáo dục 4.0.

Ngoài ra trong nuôi trồng thủy sản, phòng Lab cũng được biết đến với các công dụng hỗ trợ xét nghiệm bệnh và môi trường cho vật nuôi.

– Phòng Lab phục vụ cho việc nghiên cứu các đề tài, công trình của của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học.

– Phòng Lab phục vụ cho học sinh, sinh viên các ngành: Khoa học y sinh, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, kỹ thuật y sinh, hóa học, vật lý…

– Phòng Lab phục vụ cho các công ty hóa chất, công ty dược phẩm, công ty công nghệ sinh học, công ty sản xuất nghiên cứu sản phẩm, công ty sản xuất máy móc thiết bị…

Đôi nét về phòng xét nghiệm thủy sản

Ngày nay, nghề nuôi trồng thủy sản đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức như:

– Giá đầu vào cao

– Giá bán thấp

– Thị trường không ổn định

– Thời tiết ngày càng phức tạp

– Môi trường ô nhiễm

– Dịch bệnh tràn lan.

Phòng xét nghiệm giúp cho việc sản xuất chủ động hơn, kiểm tra được chất lượng đầu vào, chất lượng trong quá trình sản xuất và cả chất lượng đầu ra. Từ đó tạo sản phẩm chất lượng, sạch bệnh. Đưa ra các giải pháp kịp thời trong sản xuất, tạo hiệu quả kinh tế, giảm rủi ro, thiệt hại do môi trường và dịch bệnh gây ra.

Để duy trì nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng trong bối cảnh ngày nay thì phòng thí nghiệm là vấn đề vô cùng cần thiết và quan trọng.

Xét nghiệm bệnh trên tôm để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Bên cạnh đó, phòng xét nghiệm góp phần rất lớn vào việc xây dựng, kiểm soát an toàn sinh học cho trang trại sản xuất, góp phần tạo nên quy trình nuôi an toàn dịch bệnh.

Hiện tại các phòng Lab tại địa phương sẽ phục vụ quý bà con nuôi tôm thực hiện xét nghiệm các yếu tố môi trường nước và kiểm tra bệnh trên tôm.

Xét nghiệm các yếu tố môi trường

– Độ Ph

– Độ mặn của nước

– Hàm lượng oxy hòa tan trong nước

– Độ kiềm

– Độ trong ao nuôi

– Độ cứng ao nuôi

– Nồng độ NO3

– Nồng độ NO2

– Nồng độ NH3

– Nồng độ H2S

Lấy nước ao nuôi để kiểm tra các chỉ số môi trường

 

Xét nghiệm các bệnh trên tôm

– Vi rút gây bệnh còi (MBV).

– Vi rút gây bệnh teo gan tụy (HPV).

– Vi rút gây bệnh đốm trắng (WSSV).

– Vi rút gây bệnh đầu vàng (YHV, GAV).

– Vi rút gây bệnh hoại tử cơ dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV).

– Vi rút gây bệnh đục cơ ở tôm thẻ (IMNV).

– Vi rút gây hội chứng taura ở tôm thẻ (TSV).

– Vi rút gây bệnh chậm lớn (LSNV).

– Vi rút gây bệnh đục thân (MrNV/XSV) ở tôm càng xanh.

– Vi khuẩn: Vibrio phát sáng, Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus gây hoại tử gan tụy,…

– Ngoại, nội ký sinh trùng.

– Kháng sinh đồ.

Ngoài ra, còn có kỹ thuật xét  bệnh tôm bằng PCR chẩn đoán chính xác bệnh trên tôm ở mức độ gen (DNA/RNA). Đây là phương pháp cho kết quả đáng tin cậy với độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong việc xét nghiệm bệnh trên tôm.

Tùy vào từng khu vực và từng phòng Lab tại địa phương sẽ có các dịch vụ khác nhau, tốn phí hoặc không tốn phí. Vì vậy, bà con nuôi tôm nên lựa chọn các dịch vụ uy tín và phù hợp với nhu cầu của mỗi hộ gia đình.

Nguồn: TSTB