Thị trường thức ăn thủy sản năm 2020: Nhiều biến đổi khó lường

(Thủy sản Việt Nam) – Năm 2019, thị trường thức ăn thủy sản châu Á thuận lợi nhờ trại nuôi được mở rộng, nông dân tích cực học hỏi cách quản lý dịch bệnh và chi phí sản xuất. Tuy nhiên, thị trường năm 2020 đang biến đổi khó lường do dịch COVID-19.

Tiêu thụ giảm tới 40%

Đại dịch đã khiến cho chuỗi cung ứng của ngành hàng thức ăn thủy sản trở nên khó đoán và đầy bất ổn; đòi hỏi những chiến lược đáp ứng nhu cầu thức ăn thủy sản trong tương lai. Dù các hãng sản xuất đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho những rủi ro phía trước, nhưng những tình huống mà ngành thức ăn thủy sản 2020 phải đối mặt lại rất khác thường. Ngoài mục tiêu chung là duy trì hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp thức ăn cũng đang nỗ lực đảm bảo việc làm cho người lao động.

Các hãng chế biến thức ăn thủy sản trên khắp châu Á đang đối mặt những thách thức chung. Cụ thể, tại Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ, song song với quy định giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể tiếp diễn bình thường nhưng đòi hỏi phải làm việc thành những nhóm nhỏ. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã kìm hãm tốc độ sản xuất. Các hãng phân phối thức ăn chăn nuôi buộc phải làm việc tại nhà dù không gặp phải những vấn đề logistics như giao nhận nhưng thanh toán thức ăn cũng bị chậm hơn do doanh số bán hàng kém hoặc nông dân nhân cơ hội đại dịch phức tạp đã trì hoãn thanh toán.

Ảnh minh họa

Ông Chuang Jie Cheng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long cho biết, tại Ấn Độ, nơi Công ty bắt đầu sản xuất thức ăn thủy sản vào năm 2019, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hơn. Hoạt động tại các nhà máy của Công ty bị tạm dừng đến khi chính quyền nước sở tại cho phép mở cửa trở lại gồm kinh doanh thức ăn thủy sản, trại giống tôm và đầu vào nuôi trồng thủy sản, với nhân lực tối thiểu. Dự đoán, Ấn Độ sẽ bị thiếu hụt một lượng tôm khổng lồ vào quý II/2020 năm nay. Là một hãng cung cấp thức ăn thủy sản, Thăng Long cũng bị sụt giảm 30 – 40% sản lượng thức ăn tôm.

Seshu Akkina, CEO của Công ty thức ăn chăn nuôi Deepak Nexgen Feed tại Ấn Độ cho biết, họ đang phải đối mặt nhiều vấn đề khó khăn về logistics như nguồn cung xe tải, tài xế và sự hạn chế di chuyển giữa các bang suốt giai đoạn phong tỏa. Nông dân trì hoãn thu hoạch vì thị trường quá ảm đạm nhưng họ vẫn phải tiếp tục cho tôm, cá ăn; đồng nghĩa chi phí sản xuất vẫn tăng cao và cuối cùng là người nuôi phải chịu cảnh thua lỗ, theo Seshu. Ông cũng dự báo trong năm 2020, nếu tình hình thị trường hiện nay không được cải thiện, thì nhu cầu tiêu thụ thức ăn tôm sẽ giảm tới 30 – 40% và nhu cầu tiêu thụ thức ăn của cá giảm 30%.

Do giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng, giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt là điều chắc chắn sẽ xảy ra trong năm 2020, theo Wei Che Wen, Giám đốc kinh doanh tại Uni President Việt nam. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để duy trì chất lượng và giá bán hợp lý; đồng thời vẫn sát cánh với người nông dân để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Wei chia sẻ.

Tại Indonesia, Haris Muhtadi, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Indonesia (GPMT) cũng dự báo đại dịch COVID-19 sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ thức ăn của cá và tôm lần lượt 28% và 16% so với năm 2019.

Kỳ vọng phục hồi vào quý III

Tại Việt Nam, tiêu thụ thức ăn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc tại Mavin Aquaculture – đơn vị nuôi cá rô phi, cá chép và sản xuất thức ăn cho cá. Nửa đầu năm 2020 sẽ là khoảng thời gian rất khó khăn với các hoạt động kinh doanh thức ăn thủy sản nhưng vẫn có thể phục hồi từ quý III năm nay. Nhiều nhà máy thức ăn nhỏ tại việt Nam có nguy cơ đóng cửa trong năm nay trước sự cạnh tranh khốc liệt từ những đối thủ lớn hơn – những công ty có lợi thế quy mô sản xuất lớn và trang trại nuôi gia cầm, heo, thủy sản riêng nên vẫn duy trì sản lượng thức ăn cao và ổn định quanh năm.

Tại Bangladesh, ước tính nhu cầu tiêu thụ thức ăn thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt 300.000 tấn. Điều này chỉ ra rằng, sản lượng thức ăn thủy sản đã giảm mạnh tới 45% vì COVID-19 cũng như năng lực tài chính của nông dân suy yếu.

Ông Chuang Jie Cheng cho biết, Công ty vẫn duy trì hoạt động suốt giai đoạn dịch bệnh bằng cách thay đổi từ những điều thông thường sang bất thường và dần thích nghi với tình hình, như hạn chế gặp gỡ trực tiếp khách hàng, họp trực tuyến, đào tạo nhóm kinh doanh và tối ưu hóa kiểm soát nội bộ…

Nông dân tuy không hồ hởi thả nuôi như trước đây, nhưng họ vẫn sẽ tiếp tục công việc này vì đó là kế sinh nhai gần như duy nhất và họ vẫn cần đến sự hỗ trợ của ngành thức ăn thủy sản.

Nguồn: thuysanvietnam.com.vn