Ứng dụng công nghệ semi biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS). Trong năm 2013, khu vực ĐBSCL chiếm 92,5% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ và 79,8% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của cả nước. Diện tích nuôi tôm chân trắng tập trung chủ yếu ở ĐBSCL (chiếm khoảng 94 % diện tích của cả nước) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2013).

Để nghề nuôi tôm được phát triển bền vững và hạn chế ô nhiễm môi trường cần có giải pháp đồng bộ trên tất cả các phương diện phục vụ cho nghề nuôi tôm như sản xuất nguồn tôm giống đạt chất lượng, thị trường tiêu thụ ổn định, qui hoạch vùng nuôi hợp lý và những giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường do chất thải trong ao nuôi tôm.

Tuy nhiên, những năm gần đây tình hình nuôi tôm ở ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi, con giống kém chất lượng và môi trường ngày càng bị ô nhiễm… Trong ao nuôi, chỉ có khoảng 23% lượng đạm có trong thức ăn được chuyển hóa thành sinh khối của tôm nuôi, 40% hòa tan vào môi trường nước và 37% tích lũy ở nền đáy ao (Hopkins và ctv., 1995). Từ phân tích trên cho thấy được tầm quan trọng trong việc kích thích sự phát triển của dòng vi khuẩn dị dưỡng có trong ao nuôi, nhằm kiểm soát chất lượng nước và cố định ammonia thành protein trong vi khuẩn để tái chế thức ăn dư thừa và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn.  Những năm gần đây mô hình nuôi tôm áp dụng qui trình biofloc, semi biofloc đã được thử nghiệm thành công ở nhiều nước như Úc, Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ,… (Pohan Panjaitan, 2011). Ở Việt Nam mô hình này đang được thử nghiệm ở nhiều nơi như Sóc Trăng, Tiền Giang và các tỉnh miền Trung… và bước đầu đạt hiệu quả cao về mọi mặt như năng suất tăng và ổn định, hệ số thức ăn thấp, nuôi với mật độ cao và đặc biệt là hạn chế ô nhiễm môi trường, để áp dụng công nghệ này trong mô hình nuôi tôm chân trắng đề tài thử nghiệm “Ứng dụng công nghệ semi Biofloc trong nuôi tôm chân trắng (Penaeus vannamei) thâm canh” được thực hiện nhằm tìm ra giải pháp nuôi tôm hiệu quả hơn cho tỉnh Cà Mau và góp phần đưa mô hình nhân rộng trong khu vực, giúp cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững và hiệu quả.

Phương pháp nghiên cứu

  • Thí nghiệm 1: Xác định nguồn bổ sung carbohydrate thı́ch hợp lên sự tăng trưởng và tı̉ lệ sống của tôm chân trắng

Thí nghiệm 1 gồm 4 nghiệm thức (NT): NT1 là NT không bổ sung carbohydrate, NT2 sử dụng rỉ đường, NT3 sử dụng bột gạo và NT4 sử dụng bột mì với lượng bổ sung theo giá trị TAN (tổng ammoni nitơ) có trong nước bể nuôi (giá trị TAN x 10) (Claude E, Boyd, 2009).

Xác định hàm lượng TAN của nước để tính được khối lượng carbohydrate cần bổ sung vào theo công thức của Avnimelech (1999):

ΔCH = ΔN x n

Trong đó: ΔCH: lượng carbohydrate cần thêm vào; ΔN: lượng TAN trong nước; n: tỉ lệ C/N

Lượng carbohydrate được bổ sung định kì sau mỗi lần thu mẫu xác định hàm lượng TAN trong nước (4 ngày/lần). Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần và được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên. Thời gian nuôi 45 ngày. Bố trí 600 Postlarvae 12 (PL12)/bể 1m3.

  • Thí nghiệm 2: Xác định tỉ lệ C:N thı́ch hợp lên sự tăng trưởng và tı̉ lệ sống của tôm chân trắng

Thí nghiệm 2 gồm có 4 nghiệm thức khác nhau về tỉ lệ carbohydrate bổ sung vào (NT1 tỉ lệ C/N = 5:1, NT2 là 10:1, NT3 là 15:1 và NT4 là 20:1) theo nguồn carbohydrate được xác định từ thí nghiệm 1 được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Thı́ nghiệm sử dụng PL12 có khối lượng và chiều dài trung bình là 0,01 g và 1,0 cm, mật độ 600 con/bể 1m3.

  • Thí nghiệm 3: Ứng dụng công nghệ semi biofloc (làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo và hệ thống biofloc) trong nuôi tôm chân trắng

Thời gian nuôi thực nghiệm từ ngày 19/10/2012 đến ngày 04/01/2013, thí nghiệm được bố trí trong 02 ao nuôi có diện tích 2500 m2/ao độ sâu là 1,6 m, độ mặn của nước nuôi từ 10-15ppt, được nuôi với mật độ 160 PL12/m2 tôm chân trắng.

Chọn nguồn bột mì bổ sung vào ao nuôi và tỉ lệ C:N bổ sung vào ao nuôi là 10:1 (kết quả tốt nhất từ thí nghiệm 2). Nguồn bột mì được ủ qua đêm với nước và 1g men bánh mì/kg nguyên liệu trước khi sử dụng nhằm tăng cường sự phát triển của vi khuẩn có lợi. Bổ sung nguồn carbohydrate 4 ngày/lần.

Khi tôm mới thả cho ăn 1 kg thức ăn/100.000 tôm/ngày và tăng thêm 100g/ngày ở tuần đầu, 200g/ngày ở tuần 2 và 300g/ngày ở tuần thứ 3. Từ khi tôm thả được 3 tuần tuổi lượng cho ăn tùy thuộc vào sức ăn của tôm thông qua thăm sàng ăn (2 sàng/ao) và theo trọng lượng thân ước tính theo ngày.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng bột mì với tỉ lệ C:N là 10:1 cho tỉ lệ sống và tăng trưởng của tôm cao, khác biệt có ý nghĩa thống kê, và có hiệu quả về kinh tế, đảm bảo được môi trường thích hợp cho tôm chân trắng phát triển.

Trong nuôi thực nghiệm tôm chân trắng tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, các yếu tố môi trường biến động trong khoảng cho phép, thích hợp cho sự phát triển của tôm nuôi. Năng suất thu được từ mô hình là 14,308 tấn/ha/vụ, với tỉ lệ sống bình quân là 89,2%; hệ số sử dụng thức ăn thấp (FCR = 1,012) và lợi nhuận thu được là 666 triệu đồng/ha/vụ.

Đây là mô hình nuôi hiệu quả có thể nhân rộng ra toàn tỉnh Cà Mau và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Source: Tăng Minh Khoavà ctv. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ.